Rất nhiều người tin rằng hàng trăm triệu bảng tiền nợ mà nhà Glazer đã chất chồng lên M.U lẽ ra phải đẩy đội bóng chìm sâu, nhưng trên thực tế, họ vẫn sẽ là một ứng cử viên hàng đầu cho chức vô địch Premier League mùa giải tới. Thật ra, mới tháng 10/2010, họ còn mắc kẹt trong một cuộc thương lượng rất khó chịu khi Wayne Rooney lên tiếng đòi ra đi, có thể là sang chính kình địch Manchester City, chỉ vì tiền bạc. Nhưng rốt cuộc HLV Ferguson đã đứng ra dàn xếp mọi chuyện, giống như rất nhiều lần trước đó.
HLV Alex Ferguson - Ảnh: Getty |
Việc chuyển giao thế hệ thành công, chia tay những trụ cột của đội bóng huy hoàng 1999, mà vẫn có thể thành công sau đó, với các khoản đầu tư mới vào Cristiano Ronaldo và Rooney đã khẳng định Ferguson là một HLV tài năng. Nhưng chính khi chia tay những ngôi sao lớn nhất, Cristiano Ronaldo rồi Carlos Tevez, không tìm được ai thay thế, dù là Karim Benzema, Mesut Oezil trước đó hay Wesley Sneijder, Luka Modric mới đây, mà vẫn có thể thành công, mới khiến Fergie trở thành một chiến lược gia vĩ đại.
Rooney đòi ra đi thì ông thuyết phục anh ở lại. Darren Fletcher và Tom Cleverley chấn thương, Anderson không đủ trưởng thành khiến trung tâm hàng tiền vệ cần một giải pháp tình thế hợp lý, thì Ferguson gọi trở lại Paul Scholes, thay đổi vị trí của Ryan Giggs và lại chiến thắng. Khi Nemanja Vidic vắng mặt gần như suốt mùa giải trước, và Rio Ferdinand trong cả 2 mùa gần nhất, thì ông đào tạo và sử dụng Jonny Evans, mua về Phil Jones và Chris Smalling. Một cách ngắn gọn, mọi vấn đề ở Old Trafford đều được HLV người Scotland giải quyết xuất sắc với bất cứ nguồn lực nào ông có trong tay, dù là dồi dào hay ít ỏi.
"Chấp cả nhà Glazer, M.U vẫn thành công"
Trong khi đó thì những ông chủ Mỹ làm gì? “Thành công của chúng tôi không phải là nhờ nhà Glazer, mà là bất chấp nhà Glazer”, Ian Prior của Hội tiến thác CĐV M.U, khẳng định. “Họ thật may mắn có một HLV như Sir Alex Ferguson. Chúng tôi có danh hiệu thứ 19, rồi suýt nữa là 20. Nếu chúng tôi có tiền để giữ lại Tevez hoặc mua một cầu thủ kiến tạo mà chúng tôi xứng đáng có được, thì chúng tôi đã làm tốt hơn”.
Đáng lo ngại hơn, sự ủng hộ công khai của Sir Alex và thành công trên sân cỏ đã làm đổi chiều chiến dịch phản đối nhà Glazer ở Old Trafford, vốn hết sức rầm rộ vào giai đoạn đầu, khi những người Mỹ mới tiếp quản M.U. Nhờ HLV người Scotland, mà rõ ràng đã là một tượng đài không ai sánh được tại CLB, phần lớn các CĐV hạnh phúc với những gì họ đang có, nhưng thành công có lẽ chỉ đủ để che phủ những vết nứt đã ngày càng trở nên trầm trọng và trì hoãn một sự sụp đổ có thể là không tránh khỏi.
Ngay cả những người hâm mộ lạc quan nhất ở Old Trafford cũng không khỏi rùng mình khi nghĩ đến viễn cảnh HLV huyền thoại này sẽ ra đi. Khi Sir Alex đã ở tuổi 70, tương lai đó cũng không còn xa nữa. Cấu trúc tài chính ở M.U đã khiến CLB phải chi hơn 500 triệu bảng cho phí nhà băng và tiền trả lãi. Ngay cả khi số tiền đó không đầu tư vào đội bóng của Ferguson, nó vẫn có thể hết sức hữu ích trong việc nâng cấp cơ sở đào tạo trẻ, hoặc đơn giản là giúp giảm giá vé cho CĐV, thay vì tăng giá ngay khi vừa tiếp quản CLB, như nhà Glazer đã làm.
Ngay cả những hợp đồng lớn được công bố trong giai đoạn của các ông chủ Mỹ cũng chỉ là để che mắt. Trong giai đoạn 2005-2012 của nhà Glazer, M.U chỉ chi thuần chuyển nhượng 56 triệu bảng (tiền mua cầu thủ trừ tiền bán cầu thủ), thấp hơn so với của Man City, đương nhiên là thế, nhưng đáng báo động là cũng thấp hơn cả Aston Villa và Sunderland. Chỉ có một vị thánh mới có thể giành danh hiệu trong hoàn cảnh như thế và may mắn cho Old Trafford, họ quả thật đang được một vị thánh bảo trợ.
Chỉ có điều, không biết Ferguson còn có thể làm việc trong bao lâu nữa.
Article Source:: http://www.bongda.com.vn/
No comments:
Post a Comment